Thẻ tín dụng miễn lãi tối đa 45, 55 ngày! Đây là tính năng nổi bật thường được giới thiệu trong các sản phẩm thẻ tín dụng của các Ngân hàng hiện nay. Vậy thẻ tín dụng có thực sự miễn lãi đến 45, 55 ngày?
Tôi vừa mới sử dụng thẻ để thanh toán mà bây giờ đã nhận thông báo thanh toán dư nợ thẻ tính ra là sớm hơn 45 ngày. Tại sao lại không được miễn lãi đến 45 ngày nhỉ! AAAAAAAAAAA!
Mấy cái hiểu nhầm này mình cũng đã gặp phải khi mới dùng thẻ tín dụng như bạn vậy. Haizzz,…À mà may là hôm bữa mình có nhờ một bạn nhân viên bên Ngân hàng mở cho một cái thẻ tín dụng. Vì thế, mình gọi cho bạn đó ngay và nhận được câu trả lời!
Ngoài ra, bạn nhân viên ngân hàng cũng hướng dẫn mình cách sử dụng như thế nào để có thể tận dụng miễn lãi tối đa số ngày của thẻ tín dụng. Bạn cũng muốn biết?…từ từ mình giải thích lại cho dễ hiểu nhé!
Thẻ tín dụng miễn lãi 45, 55 ngày là sao?
Thẻ tín dụng miễn lãi tối đa 45 hay 55 ngày thực tế là khoảng thời gian tối đa bạn được miễn lãi/phí mà không phải trả thêm khoản lãi/phí nào. Bạn chỉ cần thanh toán số tiền đúng bằng khoản dư nợ thẻ của kỳ sao kê trước mà thôi.
“Nghĩa là kỳ trước bạn dùng thẻ tín dụng thanh toán hóa đơn Starbucks, Haidilao,…bla bla tổng cộng là 3 triệu đồng thì bây giờ trong thời gian miễn lãi tối đa 45 hoặc 55 ngày tùy loại thẻ và ngân hàng phát hành bạn chỉ cần thanh toán đủ số tiền 3 triệu đồng thì sẽ không mất lãi/phí gì cả” (dễ hiểu mà he! À mà phí thường niên thì mỗi năm phải thanh toán cho ngân hàng nhé)

*Cách tính thời gian miễn lãi của thẻ tín dụng
Khoảng thời gian miễn lãi sẽ được tính như sau:
“Thời gian miễn lãi = Khoảng thời gian từ thời điểm giao dịch đến ngày chốt sao kê + Thời hạn ân hạn”
Chú thích: Khoảng thời gian miễn lãi dài hay ngắn sẽ phụ thuộc vào thời điểm bạn thực hiện giao dịch.
Nói tới đây là chắc bạn cũng thấy lùng bùng lỗ tai rồi! Ban đầu mình cũng như vậy nên bạn cần biết một số thuật ngữ để xác định được số ngày miễn lãi cho chính xác nhé. Cụ thể:
- Thời điểm giao dịch
Thời điểm giao dịch là thời gian mà bạn có phát sinh giao dịch bằng thẻ tín dụng của mình. Trong một kỳ sao kê bạn có thể có nhiều giao dịch và thời gian thực hiện các giao dịch đó là khác nhau.
- Ngày chốt sao kê
Ngày chốt sao kê thường là một ngày cố định (ngày 5, 10 hoặc là ngày 15 hàng tháng tùy vào ngân hàng). Đây là thời điểm mà ngân hàng sẽ chốt lại tất cả các giao dịch để tính tổng số dư nợ mà bạn phải thanh toán.
- Thời hạn ân hạn
Thời gian ân hạn là khoảng thời gian mà bạn phải thực hiện thanh toán dư nợ thẻ cho ngân hàng. Nếu thẻ tín dụng của bạn được miễn lãi 45 ngày thì thời gian ân hạn thường là 15 ngày hoặc miễn lãi 55 ngày thì thời gian ân hạn là 25 ngày.
Khái niệm liên quan:
- Dư nợ thẻ tín dụng
Tổng số tiền của tất cả giao dịch phát sinh giữa 2 thời điểm chốt sao kê liền kề và kể cả dư nợ chưa thanh toán của kỳ trước (nếu có) được ghi trong bảng sao kê thẻ tín dụng hàng tháng.
- Lãi suất thẻ tín dụng
Lãi suất thẻ tín dụng sẽ được tính nếu như bạn không thanh toán đủ dư nợ của thẻ tín dụng kỳ trước hoặc chỉ thanh toán một phần dư nợ.
Bạn có thể thanh toán trước số tiền tối thiểu (thường là 3 – 5%) để không bị phạt trả chậm. Tuy nhiên, lãi suất vẫn phát sinh đến khi bạn thanh toán cho ngân hàng.
Tùy vào loại thẻ và ngân hàng phát hành thẻ tín dụng mà mức lãi suất sẽ khác nhau khoảng 20 – 40%/năm.
*Ví dụ thực tế cách tính khoảng thời gian được miễn lãi
Hiện tại mình đang có một thẻ tín dụng miễn lãi tối đa 45 ngày, Ngày chốt sao kê của thẻ là 05/05. Ân hạn thanh toán đến ngày 20/05.
- Trường hợp 1 (Chỉ có 1 giao dịch):
Mình chỉ có giao dịch thanh toán Gà rán KFC là 4 triệu vào ngày 11/04. Vậy số ngày được miễn lãi tính như thế nào?
(1) Ngày giao dịch đến ngày sao kê (11/04 – 05/05 = 24 ngày)
(2) Khoảng thời gian được ân hạn thanh toán là 15 ngày (cố định)
=> Số ngày miễn lãi trong trường hợp này là: (1) + (2) = 24 + 15 = 39 ngày.
=> Thời hạn mình cần thanh toán dư nợ 4 triệu để không mất lãi/phí là trước ngày 20/05.
- Trường hợp 2 (Có nhiều giao dịch):
Mình có giao dịch thanh toán Gà rán KFC là 4 triệu vào ngày 11/04 và có thêm giao dịch thanh toán Starbucks 2 triệu vào ngày 20/04. Vậy số ngày được miễn lãi tính như thế nào?
– Giao dịch thanh toán Gà rán KFC là 4 triệu cũng sẽ giống trường hợp 1 là 39 ngày.
– Còn giao dịch thanh toán Starbucks 2 triệu sẽ được tính tương tự:
(1) Ngày giao dịch đến ngày sao kê (20/04 – 05/05 = 15 ngày)
(2) Khoảng thời gian ân hạn thanh toán 15 ngày (cố định)
=> Số ngày miễn lãi tối đa của giao dịch Starbucks là: (1) + (2) = 15 + 15 = 30 ngày.
=> Vậy đến trước ngày 20/05 thì mình phải thanh toán đủ 6 triệu đã chi tiêu bằng thẻ để không mất lãi/phí.
Ở 2 trường hợp trên bạn sẽ rút ra được điều gì?
Bạn nên ưu tiên giao dịch có số tiền lớn càng xa ngày chốt sao kê khi đó số ngày miễn lãi của giao dịch đó sẽ càng lớn. Khi bạn có một giao dịch với số tiền lớn được 45 ngày miễn lãi thì sẽ rất khác khi chỉ được 15 ngày miễn lãi điều này giúp bạn có thêm thời gian để bạn cân đối tài chính của mình để thanh toán cho ngân hàng.
Kết luận: Nếu giao dịch của bạn càng gần ngày chốt sao kê kế tiếp thì số ngày miễn lãi của bạn cũng sẽ giảm và ngược lại. Khoảng thời gian miễn lãi tối thiểu sẽ = khoảng thời gian ân hạn thanh toán.

Cách tận dụng số ngày miễn lãi thẻ tín dụng
Bạn có thể tận dụng tối đa số ngày miễn lãi với Tips sau nhé:
Thực hiện giao dịch càng xa ngày chốt sao kê kế tiếp: Khi đó số ngày miễn lãi sẽ càng nhiều và giúp bạn có thời gian để cân đối tài chính đảm bảo thanh toán đúng hạn.
Hạn chế giao dịch gần ngày sao kê: Khi giao dịch càng gần ngày sao kê thì số ngày miễn lãi sẽ càng ít. Cho nên đối với các giao dịch với số tiền lớn nếu bạn chưa chắc chắn có thể xoay sở thanh toán đúng hạn thì hãy tránh giao dịch gần ngày sao kê.
Đăng ký trích nợ tự động: Đây là tính năng hầu hết ngân hàng nào cung cấp cho khách hàng. Khi đến hạn ngân hàng sẽ trích tiền trong tài khoản thanh toán của bạn để trả dư nợ thẻ tín dụng.
Những lưu ý khi thanh toán thẻ tín dụng miễn lãi 45 ngày
- Thanh toán đủ dư nợ thẻ thì không bị tính lãi, phí phạt.
- Thanh toán thiếu dư nợ thẻ (nhưng trên số tiền thanh toán tối thiểu) thì vẫn bị tính lãi.
- Thanh toán sau hạn thanh toán, hoặc đúng hạn nhưng dưới mức số tiền thanh toán tối thiểu thì ngoài lãi suất còn phải chịu phí phạt.
=> Lời khuyên cho bạn hãy luôn nhớ thanh toán đủ số tiền, đúng thời hạn và không được thanh toán thiếu dù chỉ 1đ nếu không muốn bị tính lãi.
Ví dụ cách tính lãi suất thẻ tín dụng
- Trường hợp: Thanh toán một phần trên mức số tiền thanh toán tối thiểu.
Hiện tại mình đang có một thẻ tín dụng miễn lãi tối đa 45 ngày, Ngày chốt sao kê của thẻ là 05/05. Ân hạn thanh toán đến ngày 20/05. Lãi suất thẻ là 20%/năm.
Mình có giao dịch thanh toán Gà rán KFC là 4 triệu vào ngày 11/04 và có thêm giao dịch thanh toán Starbucks 2 triệu vào ngày 20/04.
Mình thanh toán 5 triệu vào ngày 05/05 số dư nợ lúc này là còn 1 triệu. Khoản dư nợ 1 triệu này bạn không thanh toán trước ngày 20/05 thì số tiền lãi sẽ được tính:
(1) Dư nợ Gà rán KFC từ ngày 11/04 đến 19/04: Tiền lãi = 4 triệu x 20%/365 x 9 ngày = 19.726 VNĐ.
(2) Dư nợ Gà rán KFC + Starbucks (4 + 2 = 6 triệu) từ ngày 20/04 đến 04/05: Tiền lãi = 6 triệu x 20%/365 x 15 ngày = 49.315 VNĐ.
(3) Dư nợ sau khi thanh toán 5 triệu từ (6 – 5 = 1 triệu) từ ngày 05/05 đến 20/05: Tiền lãi = 1 triệu x 20%/365 x 16 ngày = 8.767 VNĐ.
Tổng tiền lãi mà bạn cần thanh toán đến ngày 20/05 là (1) + (2) +(3) = 19.726 + 49.315 + 8.767 = 77.808 VNĐ.
=> Cho dù bạn đã thanh toán một phần dư nợ nhưng khi không thanh toán đủ dư nợ thẻ thì bạn vẫn sẽ bị tính lãi tại thời phát sinh các giao dịch chứ không phải chỉ tính lãi trên dư nợ 1 triệu còn lại thôi.
Và số dư nợ 1 triệu còn lại của bạn cũng sẽ tiếp tục bị tính lãi cho đến khi bạn thanh toán hết cho ngân hàng.

Câu hỏi thường gặp?
- Giao dịch nào cũng được miễn lãi đến 45 ngày?
Số ngày miễn lãi sẽ được tính vào từng thời điểm phát sinh giao dịch. Cho nên các giao dịch khác ngày thì số ngày được miễn lãi của các giao dịch cũng sẽ khác nhau. Ngoài ra, thời gian miễn lãi còn phụ thuộc vào ngân hàng phát hành và loại thẻ miễn lãi 45, 50 hay 55 ngày.
Ví dụ: Đối với thẻ tín dụng có thời gian miễn lãi là 45 ngày. Ngày chốt sao kê thẻ là ngày 05/05, ân hạn thanh toán đến ngày 20/05. Bạn có các giao dịch trong kỳ như sau:
-
- Vào ngày 05/04 thanh toán tiền mua quần áo trên Tiki: 5 triệu
- Vào ngày 20/04 thanh toán tiền mua sắm tại Vinmart+: 3 triệu
- Vào ngày 30/04 thanh toán hóa đơn điện, nước: 2 triệu
Vậy thời gian miễn lãi đối với các giao dịch sẽ được tính:
-
- Giao dịch mua quần áo trên Tiki: 45 ngày (từ 05/04 đến ngày 20/05)
- Giao dịch mua sắm tại Vinmart+: 30 ngày (từ 20/04 đến 20/05)
- Giao dịch thanh toán hóa đơn điện, nước: 20 ngày (từ 30/04 đến 20/05)
- Rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng được miễn lãi?
Thẻ tín dụng chỉ nên được sử dụng để chi tiêu, việc rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng sẽ không những không được miễn lãi mà còn làm bạn phải chịu thêm phí rút tiền (3 – 5% tùy vào ngân hàng) và tiền lãi sẽ được tính ngay tại thời rút tiền.
Lời khuyên, bạn chỉ nên rút tiền trong những trường hợp khẩn cấp, bất khả kháng và phải hoàn trả đầy đủ bao gồm số tiền gốc, lãi, phí cho ngân hàng.
- Thẻ tín dụng nào cũng được miễn lãi 45 ngày?
Tùy vào loại thẻ tín dụng và ngân hàng phát hành mà khoảng thời gian miễn lãi tối đa sẽ khác nhau, có loại miễn lãi 45 ngày, 55 ngày, 60 ngày. Nên bạn hãy lưu ý điều này!
- Thanh toán bằng thẻ tín dụng ở nước ngoài không được miễn lãi?
Nhiều người nhầm lẫn khi mất một khoản lãi/phí khi chi tiêu bằng thẻ tín dụng ở nước ngoài. Thực tế, đây là phí chuyển đổi ngoại tệ để khách hàng có thể chi tiêu ở nước ngoài nên tùy vào ngân hàng sẽ thu phí khoảng 2 – 4%.
Lời kết
Bài viết này mình đã chia sẻ cho bạn hiểu về “Thẻ tín dụng miễn lãi tối đa 45, 55 ngày là sao? đồng thời cũng hướng dẫn cách dùng thẻ tín dụng để được miễn lãi tối đa số ngày”. Mong các chia sẻ trên có thể giúp ích cho bạn khi cần thiết.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nếu có thắc mắc gì ở bài viết trên thì bạn có thể để lại bình luận để Bằng giải đáp nhé!
Võ Hữu Bằng
Founder tại Nguoilamtaichinh.com
Chào bạn. Mình là Võ Hữu Bằng, Blog này là nơi mình chia sẻ những kiến thức Tài chính - Ngân hàng. Mong các chia sẻ trên có thể giúp bạn khi cần thiết.
Bạn cần tư vấn gì?
Những thắc mắc của bạn sẽ được giải đáp nhanh nhất.
Bài viết liên quan:
Cùng chuyên mục:
[Đánh giá] Thẻ Sacombank Visa Platinum Cashback – Hoàn đến 5% cho mọi giao dịch trực tuyến
Thẻ Sacombank Visa Platinum Cashback là một sản phẩm tiện ích từ Ngân hàng Sacombank,...
Th7
[Đánh giá] Thẻ Sacombank Visa – Giải pháp tài chính chủ động cho người trẻ
Thẻ tín dụng là phương tiện thanh toán gần gũi hiện nay với chúng ta....
Th7
Mở thẻ tín dụng bằng bảng lương được không: Điều cần biết
Khi bạn cần tiêu tiền để mua sắm, đi du lịch hoặc trang trải các...
Th5
Mở thẻ tín dụng bằng cầm cố sổ tiết kiệm là gì?
Khi bạn muốn mua sắm, chi tiêu ăn uống hoặc thanh toán hóa đơn, thẻ...
Th5
Mở thẻ tín dụng bằng Visa du lịch – Điều cần biết trước khi đăng ký
Thẻ tín dụng là một trong những phương tiện thanh toán phổ biến nhất hiện...
Th5
Mở thẻ tín dụng bằng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được không?
Mở thẻ tín dụng đã trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống...
Th5